San hô và lời kêu cứu gửi đến những divers!

Dưới làn nước trong xanh của nhiều vùng biển nhiệt đới có những cánh rừng hình thành không phải từ cây cối mà từ những loài động vật đặc biệt – đó là san hô. Rạn san hô được xem là hệ sinh thái đa dạng, giàu có và tuyệt vời nhất trong đại dương, nhưng lại đang đối mặt với nguy cơ suy giảm nghiêm trọng bởi tác động từ môi trường và sự khai thác quá mức.

rạn san hô tại đảo bình hưng

San hô là gì?

Mặc dù trông giống như cành cây, hay phiến đá, nhưng san hô thực sự là nhóm động vật có cấu tạo tương tự như sứa và hải quỳ. Chúng thuộc nhóm động vật biển có các trâm gây ngứa (gọi là thích ty bào).

Chúng được ví như những người thợ xây: Một rạn san hô được hình thành qua sự phát triển của nhiều thế hệ của các loài san hô cứng tạo rạn. Tập đoàn san hô do hàng tỉ các pôlýp (polyp) san hô tí hon xây dựng nên. Pôlýp san hô trông giống như một cái ống ngắn, rỗng có đáy nằm trong khung xương đá vôi của mình và trên cùng là miệng gồm nhiều xúc tu. Khi một pôlýp san hô chết đi, ngôi nhà đá vôi của nó vẫn tồn tại. Các pôlýp san hô khác lại tiếp tục xây dựng các ngôi nhà mới của chúng lớp này qua lớp khác, qua nhiều thế hệ và tạo nên các rạn san hô vô cùng huyền bí.

rạn san hô tại đảo bình hưng

Lời kêu cứu gửi đến những divers!

Theo ông Chiến Lê – nhà sáng lập Trung tâm cứu hộ sinh vật biển SASA (một tổ chức có mục tiêu hồi sinh san hô ở biển miền Trung Việt Nam): “Giá trị thực của các rạn san hô – hay còn được gọi là rừng mưa nhiệt đới dưới biển – còn lớn hơn nhiều so với vẻ ngoài tuyệt đẹp của chúng. 

Thực tế, diện tích san hô trên thế giới rất ít, chỉ bao phủ khoảng 1% bề mặt đáy đại dương. Dù vâỵ, các rạn san hô lại là nơi cư trú của hơn 25% các loài sinh vật biển và là hệ sinh thái của 40% các sinh vật dưới nước. Chúng cũng mang lại rất nhiều lợi ích kinh tế cho con người: bảo vệ bờ biển, du lịch và môi trường sống cho nghề cá….

Nhưng chỉ trong 30 năm trở lại đây, thế giới đã mất đi một nửa số san hô, tới năm 2050 con số này sẽ là 90%. Nguyên nhân là do sự ấm lên toàn cầu, công nghiệp hoá dẫn đến axit hoá đại dương và các hoạt động đánh bắt cá, du lịch không điều tiết. Hiện có 96% các rạn san hô trên khắp vùng biển tại Việt Nam đang hứng chịu tác hại từ các hoạt động khai thác của con người, hơn 90% đang bị đe dọa nghiêm trọng từ nhiều yếu tố.

Những rạn san hô thực sự đang kêu cứu!

Gửi đến những divers, những du khách, hãy là một diver “xanh”, bảo vệ rạn san hô chỉ bằng những việc sau:

  • Đừng chạm hay mang san hô về nhà
  • Sử dụng kem chống nắng an toàn cho san hô. Hoặc tốt nhất không sử dụng kem chống nắng
  • Không thả rác nhựa xuống biển

Với các du khách khi tham gia tour lặn biển của Bình Hưng Travel luôn được nhắc nhở về việc bảo vệ rạn san hô. Bởi một hành động nhỏ nhưng cùng nhau sẽ tạo thành một tác động lớn, chung tay cùng nhau bảo vệ hệ sinh thái biển!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *